{Review ngắn} SON 3CE TAKE A LAYER TINTED WATER TINT


{Review ngắn}

Son 3CE TAKE A LAYER TINTED WATER TINT

          
           Trào lưu quay lại với son tint nước có vẻ đã được đẩy lên đến đỉnh điểm, khi mà thương hiệu rất giỏi trong khoản làm màu đến từ Hàn Quốc 3CE - với hàng chục dòng mỹ phẩm mới ra mắt mỗi năm, đủ thể loại xu hướng và người mẫu quảng cáo make up cứ gọi là tiên giáng trần, trong khi mua đồ về dùng thì chả ra sao.
          Lần này 3CE cho ra mắt bộ sưu tập với cái tên Take a Layer … chả hiểu dụng ý là gì, bao gồm son, phấn má, sơm móng đa sắc màu, riêng cái hộp bôi má kiểu như dùng lẫn lộn môi - má đều được, một sản phẩm đa công dụng. Hic, nói thật chứ mỗi sản phẩm một công dụng chất lượng còn chưa ra sao nữa là đa dụng, cũng phục ông phụ trách hình ảnh của thương hiệu này, nhìn ảnh với clip quảng cáo thì cứ gọi là “mật ngọt chết ruồi” trong khi đồ mới ra luôn luôn đẩy giá cao ngất, các shop VN cũng được thể làm giá với lại khan hàng, cháy hàng. Nghe mà ớn…
          Sản phẩm tớ Review hôm nay là thỏi son tint dạng nước của 3CE, có tên gọi khá là lủng củng: Take a Layer Tinted Water Tint. Nói cho nhanh em nó là son tint dạng nước, lỏng toẹt như nước thật, đánh lên môi ngấm luôn vào da môi nhé.
1. Bao bì:


Bao bì khá lởm so với các sản phẩm khác của 3CE và so với cái giá tầm hơn 300K đồ Hàn Quốc. Lọ son bằng nhựa thường hết sức, bọc giấy in hình môi có màu son - nhưng không rõ nét màu son, trông nhờ nhờ, có bạn đọc Blog tớ bảo rằng vỏ son nhìn lởm quá, như kiểu son tự chế, tớ cũng thấy thế thật. Chổi quét son dạng dẹt thông thường, do chất son lỏng toẹt như nước nên lấy son ra chậm vào đầu ống không thì sẽ bị lượng son nhiều quá, cẩn thận không dính cả vào răng nhìn kinh lắm.
2. Về màu sắc:

- Bảng màu: He he hình như chỉ có 5 màu (gồm: Most Orange - cam tươi; Fig Pink - Hồng đỏ san hô; Iron Red đỏ cam; Spicy Red - Đỏ thuần; Inside Mauve - Đỏ rượu chát). Nếu xem ảnh chụp của hãng thì đa số là na ná nhau, kiểu đỏ cam rồi cam đỏ, cam san hô, chỉ có mỗi màu Inside Mauve là màu trầm trầm kiểu rượu chát thì khác biệt hẳn với 4 màu còn lại. Cá nhân tớ thì luôn quan điểm son tint đa số màu sẽ lên theo màu môi của mỗi người nên mua son tint đừng quá tin vào swatch của mấy cô người mẫu hay ảnh chụp, màu nhìn một đằng mình đánh ra một nẻo là điều thường xuyên.
- Thực tế: Tớ đã mua 2 màu 3CE tint water này và khá ngạc nhiên khi thấy màu nó thuộc diện khá chuẩn so với màu son trên ảnh của hãng. Nhìn trong ống (mà thực ra là ống son bọc giấy kín mít chả nhìn thấy gì mấy) thì có vẻ nước son các màu na ná nhau, nhưng 2 màu tớ mua là Most Orange - Cam tươi và Fig Pink hồng đỏ, thì khi mới đánh lên môi màu lên khá chuẩn với swath, ra chuẩn cam tươi và hồng đỏ. Sau đó màu son có trầm đi tầm 20% nhưng vẫn đẹp không bị trầm quá hay chuyển về tím thịt trâu.

Từ trên xuống: Most Orange - Fig Pink

Sau khi kì cọ một hồi với nước lã
- Tớ chưa mua thêm các màu khác không biết thế nào, nhưng nhìn bảng màu thì đa số là cam đỏ với đỏ hồng, đỏ san hô nên nếu tớ nghĩ môi không có thâm có thể chọn một màu đỏ tươi hoặc đỏ hồng đánh cũng khá tươi tắn.
- Độ lên màu: Màu lên đậm và khá chuẩn với Swatch, ưu điểm là không bị biến chuyển theo xu thế tất cả đều thành tím thịt trâu. Đây là một trong số ít dòng son tint có ưu điểm này. Màu cam tươi Most Orange tớ đánh lên thành cam đậm, trông hơi rợ và bẩn bẩn - kiểu màu nó không sang. Còn màu Fig Pink - Hồng đỏ thì khá đẹp, sau chuyển thành hồng đỏ đậm.


Màu Fig Pink đánh lòng môi
Màu Most Orange đánh Full môi

- Độ bám màu: Do bản chất và nhược điểm ở chất son - tớ sẽ nói kỹ ở mục chất son, cho nên màu sắc bị trôi khá nhanh, mặc dù mới đánh chậm kỹ lòng môi màu lên rất đậm nhưng son nhanh bay màu với nước, đặc biệt là uống nước. Màu trôi có thể bị hơi loang lổ trong lòng môi, uống nước và ăn thì ít dính cốc chén. Tuy nhiên là lớp Stain màu nhờ nhờ bám rất lâu sau đó, môi có thể không đậm màu như mới đánh nhưng hồng hào cả buổi thì có thể.
3. Chất son:
- Chất son cực kỳ lỏng, lỏng như nước luôn.
- Mới chấm lên môi nhìn óng nhẹ trông rất yêu, là do lúc này son chưa khô hẳn, sờ tay vào sẽ dính ra đầu ngón tay, chất son lỏng thế đánh lòng môi hợp và đẹp hơn đánh full môi. Có thể chấm nhẹ lên má thay cho má hồng cũng được, nhưng nhớ tán nhanh nhé không nó khô như vệt mực màu trên má thì toi.
- Son sau khi bôi lên da thì ngấm vào da khô rất nhanh, như kiểu đổ mực lên, sờ gần như không cảm thấy lớp son. Vì cơ bản nó là tint nước, son ngấm thẳng vào da môi và tạo màu - giữ màu ở đó, nên cảm giác đánh xong rất thoải mái. Cái này luôn là ưu điểm lớn của tất cả son Tint hoặc son Tattoo.
- Tuy lớp mực son in hằn vào da khá lâu ưng lại nhanh trôi với nước và rất kém bền với nước. Điều này ngược hoàn toàn với son thỏi lì hay son kem lì - đa số bền với nước và nhanh bay với dầu - mỡ. Son tint này ngược lại, bền với dầu mỡ - bằng chứng là tớ lấy dầu dừa bôi để tảy trang thì màu bám rất kinh, nhưng đánh răng, vục nước lên rửa mặt mà đánh son là nhìn thấy son trôi theo nước luôn. Uống nước xong mà môi dính nước thấy rõ son phai ra theo nước, cảm giác mình nuốt mực son vào cổ làm tớ thấy khá ghê cổ. Đây có lẽ là điểm TRỪ lớn nhất của dòng son này.
4. Mùi thơm:
Gần như không có mùi gì, nói chung các dòng son 3CE thường không có mùi và tớ thích điều này. Không như các thương hiệu cao cấp của Pháp (Dior, YSL, guerlain, Lancome…) thường có mùi thơm khá nặng.
5. Giá tiền:
Tớ bị làm giá mua tận 330K /cây (cơ bản cũng ít shop bán cơ), còn lên Shopee có thể mua được với giá 250-280k/cây, tuy nhiên tớ bị phốt mua hàng Fake ở Shopee rồi nên tớ hãi lắm.
Kết luận: Nếu yêu thích son tint cũng có thể ngắm nghía em này, ưu điểm là màu lên khá chuẩn, tươi không bị chuyển thành tím. Không mùi, son như mực ngấm vào môi. Tuy nhiên nhược điểm là trôi nhiều theo nước, phai hơi loang lổ. Son đánh lòng môi đẹp hơn đánh Full môi, màu lên không được sang lắm.



Trang Fanpage của Blogger

Sơ qua về bản thân:

  • Tên: Phương Dung; Tuổi: 41
  • Nghề nghiệp: Kỹ sư xây dựng, ThS Quản lý Đô thị
  • Sở thích: trang điểm và đọc sách, đánh bóng bàn, nhảy Zumba
  • Loại da: hỗn hợp dầu, nhạy cảm dễ lên mụn
  • Màu da: Sáng đến trắng, các hãng nền thường dùng màu sáng nhất hoặc sáng thứ 2 trong dãy