{Skincare} QUY TRÌNH CHĂM SÓC CHO DA DẦU – CÓ MỤN (Phần 1)



QUY TRÌNH CHĂM SÓC CHO DA DẦU – CÓ MỤN
(Phần 1)
(Link Fanpage của Blog, các nàng Like để đọc các bài viết mới nhấ cà Inbox chủ Blog nếu cần nhé:
https://www.facebook.com/phuongdungreview/ )

 Chào các bạn, lâu rồi chưa có bài viết nào mang tính chuyên sâu về một vấn đề gì đó sau rất nhiều bài Review. Nếu bạn nào đọc Blog của mình thường xuyên thì đều biết mình rất ít khi chia sẻ về cách dưỡng da cũng như đánh giá về các sản phẩm dưỡng da mà chỉ chủ yếu tập trung vào Review sản phẩm, mà số lượng sản phẩm dưỡng da cũng không nhiều nếu so với các sản phẩm trang điểm. Lý do thì cũng đơn giản, vì các sản phẩm dưỡng da nếu dùng hợp rồi thì cũng không thay đổi nhiều nữa – không như đồ make up, tìm được bạn kem nền hợp rồi nhưng vẫn thích thử loại khác OK hơn, son thì có mà thấy màu nào mới hoặc dòng nào mới cũng muốn thử. Hơn thế nữa thì để đánh giá được một sản phẩm dưỡng da theo mình phải gắn vào một quy trình, chứ một sản phẩm khó có thể làm nên những thay đổi lớn cho làn da của chúng ta (trừ thuốc – vâng dĩ nhiên rồi), phải có thời gian trải nghiệm khá dài mới nhận xét chính xác được.
Cá nhân mình cũng thấy để viết bài hướng dẫn về cách dưỡng da rất khó, vì quy trình dưỡng da được xây dựng dựa trên đặc điểm làn da và sinh lý cơ thể của mỗi người, không thể áp nguyên xi quy trình từ người này sang người khác, vậy cũng là lý do mình hơi “ngại” viết về Skincare Routine.
Như một số chia sẻ gần đây, mình đã đi được 4 tháng trong quy trình chữa trị - dưỡng da đối với làn da bị mụn do dùng nhiều loại mỹ phẩm của mình. Có thể nói đến thời điểm này mình khá hài lòng với quy trình đã áp dụng. Mình sẽ tiếp tục áp dụng quy trình chữa trị hết 6 tháng sau đó sẽ chuyển sang duy trì. Nhân đây cũng do nhiều bạn comment và Inbox cho mình trên Fb hỏi về cách dưỡng cho da nhờn, có mụn (hay gọi chung là da dầu – mẫn cảm cho nó khoa học), thú thực mình không phải chuyên gia gì nên cũng không dám liều mà hướng dẫn các bạn, nhưng mình sẽ giới thiệu quy trình chăm sóc cho loại da trên theo hướng dẫn của Tiến sĩ Leslie Baumann – bác sĩ da liễu, người thành lập và giảng dạy da liễu tại Đại học Miami. Bà là nhà nghiên cứu da liễu thẩm mỹ nổi tiếng và đã cộng tác, là cố vấn cho hơn 50 công ty mỹ phẩm khác nhau; là giám đốc của viện da liễu thẩm mỹ mang tên Cosmetic and Research Insiture. Là một nhà khoa học và cũng là một phụ nữ nên bà Baumann cũng đã thử nghiệm, nghiên cứu nhiều sản phẩm và liệu pháp chăm sóc da để làm đẹp cho chính bà và dĩ nhiên là rất nhiều phụ nữ trên thế giới.

Bà là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Skin Type Solution đã được biết đến trên khắp thế giới – được Paula Begoun nhận định là “Cuốn sách chăm sóc da hay nhất từ trước đến giờ”. Cuốn sách của bà đưa ra bảng phân loại da và cách chăm sóc cho từng loại da một cách rất cơ bản, khoa học và dễ hiểu. Theo mình thì bất kỳ ai trước khi bước chân vào con đường mua và sử dụng các sản phẩm dưỡng da cũng nên đọc cuốn sách này.
Theo cách phân loại của bà Baumann thì có tới 16 loại da khác nhau (mà trước đây thì người ta thường phân loại da theo quan điểm của nhà sản xuất mỹ phẩm lừng danh Helena Rubenstein với các loại da là: thường, dầu, hỗn hợp, khô và nhạy cảm). Đi với mỗi loại da thì bà Baumann đều hướng dẫn cách chăm sóc, gợi ý một số sản phẩm và đưa ra các chất cần thiết cho quy trình dưỡng da cũng như các chất nên tránh.
Để tự phân loại da của mình các bạn có thể tìm đọc cuốn sách Skin Type Solution đã được dịch sang tiếng Việt bới bác sĩ Trường (một BS da liễu), cuốn sách có thể mua qua mạng tại trang vinabook.com hoặc các bạn vào trang web tiếng Việt 16skin.com cũng có bản dịch của cuốn sách này. Cuốn sách này mình đã đọc bản file trên mạng khá lâu rồi, cũng phải cách đây 2 năm, tuy nhiên gần đây mình mới nghiên cứu sâu và kỹ hơn về các chương mà sách nói đến, cũng tiện thể hôm nay muốn giới thiệu cuốn sách đến bạn nào yêu thích skincare mà chưa đọc qua.
Các nội dung mình chia sẻ hôm nay cũng như quy trình chăm sóc da hiện tại mình cũng đều áp dụng theo các hướng dẫn của TS Baumann, thế nên hầu như các khái niệm, các hướng dẫn giải thích đều trích từ cuốn sách này (cũng có một số nội dung mình lấy nguồn từ trang web: dalieu.vn là trang web chính thức của Bênh viện da liễu Trung ương – trực thuộc Bộ Y tế), có chăng mình chỉ viết lại theo cách của người dùng cho dễ hiểu hơn và một số sản phẩm bà ấy gợi ý mình thấy khó mua ở thị trường Việt Nam hoặc có sản phẩm khác dễ mua hơn mà mình nghiên cứu thấy thành phần, công dụng tương tự hoặc mình đã dùng thấy OK mình sẽ giới thiệu thêm.
Mình xin giải thích thêm lý do tại sao mình đưa ra quy trình dưỡng cho da dầu – mụn nhạy cảm vì đây là quy trình mình áp dụng, loại da dầu – mẫn cảm chính là da mình nên mình có nhiều kinh nghiệm chăm sóc cho nó. Còn các bạn có các loại da khác cần tìm hiểu quy trình dưỡng da thì cứ … Skin Type Solution thẳng tiến nha.
1. Phân loại da:
Sau khi mình làm bài trắc nghiệm phân loại da theo cuốn sách trên thì da của mình thuộc loại sau:
- Điểm dầu/khô (O/D)=35 trong đó theo như đánh giá của sách thì điểm số trắc nghiệm từ 27-44 là da dầu, trong đó điểm số từ 34-44 là rất dầu, như vậy da mình có điểm số 35: da rất dầu
- Điểm đánh giá da nhạy cảm–khỏe (S/R)=35,5 à da nhạy cảm
- Điểm đánh giá da có nhiễm sắc tố (bị vết nám, tàn nhang, vết xạm) viết tắt là điểm (P/N) thì da mình=16 là da không nhiễm sắc tố
- Điểm đánh giá da nhăn/căng (T/W)=35 mình da căng (điểm số này từ 41-85 là da nhăn).
Như vậy tổng hợp lại theo bảng phân loại da thì da mình thuộc loại da: Dầu – nhạy cảm – không nhiễm sắc tố - căng.
Cận cảnh loại da này ta sẽ thấy các dấu hiệu như sau:
- Có mụn
- Da dầu
- Thỉnh thoáng bị đám hồng trên da (tớ không bị đỏ da nên không có dấu hiệu này)
- Có thể đỏ da hoặc nóng da khi tiếp xúc với nhiều loại mỹ phẩm (cái này tớ cũng thỉnh thoảng bị nếu dùng một sản phẩm nào đó không hợp, số lần bị cũng khá nhiều rồi ý).
Như vậy thì mối quan tâm lớn nhất của loại da này chính là dầu, trứng cá, viêm. Vì thế chúng ta cần những sản phẩm không gây kích ứng mà vẫn kiềm chế được trứng cá, giảm các triệu chứng viêm trên da. Cũng nói thêm, ba yếu tố tạo nên trứng cá chính là: việc sản xuất dầu tăng (do một hoặc nhiều nguyên nhân); lỗ chân lông bị bít và vi khuẩn P.Acnes. Chúng tương tác với nhau theo cơ chế: đầu tiên dầu sẽ kết dính các tế bào da chết lại với nhau dẫn đến hiện tượng lỗ chân lông bị bít kín gây ra mụn đầu đen hay đầu trắng, sau đó vi khuẩn P. Acnes xâm nhập vào trong lỗ chân lông gây ra viêm (biểu hiện là đỏ và mưng mủ). Phương pháp để giải quyết trứng cá là: làm giảm tiết dầu, giải quyết việc bít lỗ chân lông và diệt vi khuẩn.
Để tìm hiểu thêm về mụn và các nguyên nhân cũng như phương pháp trị mụn và các loại thuốc thường được dùng để điều trị trứng cá, các bạn nghiên cứu thêm ở các nguồn sau:
- Bài viết chuyên đề về mụn trứng cá của BS chuyên khoa II Bùi Khánh Duy tại trang này: http://www.benhhoc.com/bai/2142-Trung-ca.html (các bài viết về bệnh học theo mình chỉ nên tham khảo để biết thêm chứ có bệnh tuyệt đối phải đến bác sĩ để được khám và tư vấn nha, không thể tự chữa trị tùy tiện được nhé).
- Bài giảng về trứng cá, bài này viết khá tỷ mỷ các loại trứng cá, cách xét nghiệm, một số loại thuốc điều trị:

http://www.dieutri.vn/bgdalieu/18-8-2013/S4472/Bai-giang-benh-trung-ca-Acne.htm#ixzz3FQDxMX2A
TS Baumann đã cung cấp 3 chế độ chăm sóc khác nhau cho loại da này tùy vào mức độ nghiêm trọng các dấu hiệu mắc phải, cụ thể như sau:
- Nếu bị đỏ da mặt, có mụn, nổi ban hoặc trứng cá đỏ thì sử dụng chế độ thứ I.
- Nếu chỉ có trứng cá thì sử dụng chế độ thứ II
- Khi các vấn đề về đỏ da, trứng cá đã được giải quyết thì chuyển sang chế độ duy trì, chế độ thứ III.
2. Các chế độ chăm sóc cho da dầu – nhạy cảm tùy vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu trên da:
a) Chế độ thứ I cho da bị trứng cá và đỏ da:
*** Sáng:
- Rửa mặt bằng sữa rửa mặt
- Bôi Gel hoặc Lotion chống viêm
- Bôi sản phẩm kiềm chế dầu (không bắt buộc)
- Bôi sản phẩm chống nắng
*** Tối:
-         Rửa mặt bằng sữa rửa mặt
-         Bôi sản phẩm chống viêm
Trong chế độ này thì tác giả cũng lưu ý thêm với những làn da rất dầu thì nên bôi sản phẩm kiềm chế dầu trước khi dùng KCN , còn nếu không thì chỉ cần KCN ngay sau bước Lotion hoặc Gel chống viêm.
b) Chế độ thứ II giành cho da đang bị trứng cá và không có hiện tượng đỏ da (trường hợp này mình thấy ở đa số các bạn bị mụn chứ người VN mà bị đỏ da kiểu đỏ bừng mặt lên thì rất hiếm, có chăng là bị viêm da nặng dẫn đến hiện tượng trứng cá đỏ, theo mình nếu gặp trường hợp đó thì tốt nhất nên đến gặp BS da liễu).
*** Sáng:
- Rửa mặt bằng sữa rửa mặt
- Bôi sản phẩm trị mụn
- Bôi sản phẩm kiềm chế dầu (không bắt buộc)
- Bôi sản phẩm chống nắng
*** Tối:
- Rửa mặt bằng SRM
- Bôi Gel chống viêm
- Bôi sản phẩm có Retinol
- Bôi kem dưỡng ẩm nếu như da cảm giác khô, còn không thì bỏ qua bước này.
c) Chế độ thứ III: duy trì khi trứng cá và đỏ da đã được kiểm chế
*** Sáng:
- Rửa mặt bằng SRM
- Bôi sản phẩm kiềm chế dầu  (tùy thuộc vào tình trạng dầu của da)
- Bôi kem chống nắng
*** Tối:
- Rửa mặt bằng SRM
- Bôi Gel chống viêm
- Bôi sản phẩm có chứa Retinol
- Có thể dùng thêm các sản phẩm dưỡng ẩm nếu cảm thấy khô
Như vậy thì nhìn qua quy trình Baumann hướng dẫn chăm sóc với loại da dầu, mụn thì khá đơn giản, chủ yếu là làm sạch, bôi sản phẩm chống viêm và chống nắng. Mình chú thích thêm là đọc trong sách của bà Baumann các bạn không thấy có bước tảy trang, tuy nhiên theo mình nếu các bạn da mụn, da dầu mà có make up bằng kem nền, BB, phấn… thì cũng nên bổ sung thêm bước tảy trang nhẹ nhàng, nếu như việc tảy trang không làm cho da các bạn kích ứng thêm. Khi tảy trang nên chọn các sản phẩm cho da nhạy cảm, mình thấy nước tảy trang BioDerma màu hồng rất phù hợp.

Về các sản phẩm dưỡng ẩm với da dầu, sách cũng nói rõ vì da dầu đã có lượng dầu tự nhiên nhiều hơn những làn da khác nên nếu sử dụng thêm sản phẩm dưỡng ẩm có thể gây bít tắc lỗ chân lông và làm tăng dầu. Tuy nhiên việc sử dụng hay không sử dụng thêm sản phẩm dưỡng ẩm vào quy trình còn tùy thuộc vào độ dầu của da, nếu điểm số O/D là từ 27-35 thì có thể sử dụng thêm sản phẩm dưỡng ẩm nhẹ nhàng chứa các thành phần kiềm chế viêm và trứng cá. Ở đây mình cũng chú thích thêm rằng quan điểm về dưỡng da dầu của bà Baumann cũng như một số sách da liễu đã nói có vẻ hơi khác so với nhiều quan điểm về dưỡng da mà các bạn đã đọc ở đâu đó. Theo như một số quan điểm mới thì dù  da dầu nhưng cũng vẫn cần cung cấp nước, tránh làm da mất độ ẩm vì nếu thế thì da càng bị kích thích việc tiết dầu nhiều hơn. Cho nên việc dùng hay không dùng thêm kem dưỡng ẩm cho da dầu là một việc khá nhạy cảm, nó tùy thuộc vào sự tự cảm nhận, tự lắng nghe làn da của chính các bạn, cho nên mình mới nhắc đi nhắc lại rằng mọi quy trình, mọi công thức chỉ mang tính tương đối.
Nhân đây mình cũng nói thêm ngoài lề một chút, nếu đọc kỹ sách của bà Baumann thì thấy hầu như với các loại da bà Baumann đều khuyên dùng các chế phẩm có Retinol, trong sách của bà cũng phân thành Retinol không theo đơn (thường là các loại mỹ phẩm mà trong thành phần có Retinol) và sản phẩm Retinol theo đơn (ở đây ta có có thể hiểu đó là một số loại thuốc có Retinoid mà ở Việt Nam có bán Erylick, Izotren, Comvogel …). Retinol không chỉ được dùng cho da mụn mà cả trong việc phòng và chống nhăn, bởi mục tiêu của việc chống nhăn là ngăn chặn sự mất đi của Collagen, Elastin và Hyaluric acid (viết tắt là HA). Đây là ba thành phần quan trọng của lớp trung bì – lớp quyết định đến việc da chúng ta nhăn hay không. Một số sản phẩm kem dưỡng da có chứa 3 thành phần trên nhưng kích thước phân tử của chúng lớn không thể hấp thụ qua lớp biểu bì để ngấm sâu vào lớp trung bì của da. Nhiều sản phẩm dưỡng da có chứa Hyaluric Acid nhưng khi dùng dạng bôi nó chỉ có tác dụng dưỡng ẩm mà thôi, không thể ngấm sâu vào lớp trung bì để thay thế lớp HA trong da đã mất đi.
Chính vì các nguyên nhân trên nên việc chống lão hóa đi theo hướng sử dụng các chất để kích thích cho da tự sản xuất ra Collagen, Elastin và HA. Và các chất đó chính là Retinoid, Vitamin C, Copper Peptide. Vì thế nếu nàng nào muốn chống nhăn cho da thì tìm các sản phẩm có các chất trên thì sẽ hiệu quả hơn là bôi Collagen hay HA (vì bọn chúng chỉ có tác dụng dưỡng ẩm thôi nhé). Tuy nhiên cũng có một loại da mà bà Baumann không khuyên sử dụng các chế phẩm Retinol đó là da nhạy cảm và bị chứng đỏ mặt.
Trong điều trị trứng cá thì việc dùng Retinoid (gồm các chế phẩm bôi và uống) cũng được sử dụng rộng rãi. Về việc dùng Retinoid đường uống mình nghĩ nên tuyệt đối có sự chỉ định của BS và còn tùy vào cơ địa của người dùng phản ứng thế nào với các phản ứng phụ. Vì thuốc này (tên biệt dược thường thấy là Acnotin, Martoco với thành phần là Isotretinoion 10mg, 20mg) sẽ gây ra rất nhiều phản ứng phụ khó chịu và nguy hiểm cho người dùng. Có người thì phản ứng phụ chỉ đơn giản là khô môi nhưng có những bạn dùng Acnotin đã chia sẻ trên WTT rằng bị giảm thị lực, loét miệng, nhiệt miệng rất nặng, người mệt mỏi, chu kỳ kinh nguyện thay đổi … Đặc biệt với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần cực kỳ lưu ý khi sử dụng thuốc này vì nguy cơ gây quái thai rất cao nếu dùng thuốc mà không may có thai.
Về tính năng trị mụn của Retinoid dùng đường bôi thì hiểu đơn giản rằng Retinoid là một Vitamin A acid, nó có tác dụng tăng vòng đời tế bào, giúp cho quá trình đổi mới tế bào diễn ra nhanh hơn bình thường, ngăn ngừa quá trình gây bít tắc lỗ chân lông nên giúp ngăn ngừa mụn đầu đen, mụn đầu trắng và trứng cá. Tuy nhiên tác dụng phụ của Retinoid là làm cho da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng, gây kích thích và tróc vảy da.
Lại quay lại với da dầu - mụn hôm nay, bây giờ sau khi đưa ra 3 quy trình chăm sóc da thì chúng ta sẽ đến với một số chất có tác dụng kháng viêm, giảm mụn; một số chất mà da mụn – mẫn cảm nên tránh. Sau đó sẽ chuyển sang phần sản phẩm sử dụng.
3. Các chất cần thiết cho quy trình dưỡng da và các chất nên tránh:
Với những người nghiệp dư như mình thì chỉ cần cố nhớ được một số chất cần thiết cho một mục đích nào đó, chứ bảo để phân tích xem cấu tạo hóa học, cơ chế tác động và vì sao nó có tác dụng như thế thì mình cũng xin chịu, thứ nhất không có thời gian nghiên cứu, thứ hai mình cũng chả phải nhà hóa dược học, và thứ 3 mình thấy cũng chả cần tìm hiểu sâu đến thế. Còn bạn nào thích tìm hiểu sâu cặn kẽ nguồn cơn, cơ chế tác động thì cứ tìm tài liệu trong và ngoài nước, đọc và dịch ạ.
a) Các chất giảm viêm: Aloe Vera (vâng chiết xuất lô hội đó ạ); Green Tea (chiết xuất trà xanh); Cucumber (chiết xuất dưa leo); Zinc (kẽm); Licochalone; Feverfew; Dexpanthenol (Vitamin B5); Chamomile (hình như chiết xuất từ hoa cúc); … và còn nhiều chất nữa nhưng mấy chất trên là quen thuộc dễ đọc dễ tìm nhất.
          b) Các chất giảm trứng cá: Benzoyl peroxide (hehe chất này cực phổ biến rồi, có trong bộ trị mụn Acne.org này, sản phẩm Panoxy của Rohto này); Tea Tree Oil (vâng dầu tràm trà ạ, dầu này rẻ mà cũng dễ kiếm); Retinol (theo đơn hoặc không theo đơn); Salicylic Acid (BHA nổi tiếng đó ạ); Zinc (kẽm ạ).
          c) Các thành phần nên tránh: Acetic Acid; Coconut Oil (dầu dừa ạ); Cocoa Butter; Menthol (tinh chất bạc hà tốt nhưng với da nhạy cảm nên cẩn thận, khá nhiều người bị kích ứng với bạc hà); Alpha Lipoic Acid; Benzoic Acid; Parabens; Cinnamon Oil; DMAE …. Và một số chất lạ lạ nữa nhưng trên đây là một số chất thỉnh thoảng mình đọc được trên bao bì sản phẩm.
          4. Các sản phẩm chăm sóc da gợi ý: danh sách các sản phẩm mà bà Baumann đưa ra khá nhiều, trong đó có một số sản phẩm khó mua ở VN nên mình không đưa vào, mình sẽ đưa một số sản phẩm dễ tìm, có thể đưa thêm một vài sản phẩm chức năng tương tự mà mình đã dùng qua có đánh giá tốt để các bạn tham khảo. Các sản phẩm mình trích dẫn ra đây có cái mình dùng rồi và có có cái chưa dùng. Cái dùng rồi thì cũng có sản phẩm hợp cái không, thế nên sự lựa chọn là ở các bạn nhé.
***  Sữa rửa mặt: Neutrogena Oil free Acne Wash (hehe em này mình đang dùng, đã có review ạ, giá 300K chai to vật dùng cả năm luôn); Vichy Normaderm Deep Cleansing Gel; Paula’s Choice Hydralight One Step face Cleanser Normal to Oily/Combination Skin, Cetaphil Daily Facial Cleanser Normal to Oily Skin (hình ảnh minh họa mình lấy trên mạng nha)







*** Sản phẩm chống viêm: Paula’s Choice Skin Relief Treatment; Josie Maran Argan Oil; Origins Mega – Mushroom Skin Relief Advanced Face Serum; Aveeno Ultra Calming Moisturizing Cream
          Một số sản phẩm có chiết xuất Green Tea như: 
         - Tinh chất dưỡng da Thái Green Tea với chiết xuất từ quả và lá chè xanh trồng tại Thái Nguyên, nghệ ta, cỏ Nhung giúp làm dịu da, giảm tình trạng viêm rất tốt. Phù hợp với da đang  bị kích ứng, da viêm, mụn, sẩn ngứa. Sản phẩm này mình dùng cho cả gia đình được gần 1 năm và rất hài lòng, 100% từ thiên nhiên nên yên tâm dùng cho cả con gái khi bị rôm xảy, mẩn ngứa.







         - Serum Silk Naturals( có chiết xuất Green Tea và Aloe Vera) đều là những chất chống viêm làm dịu da rất tốt, tuy không có tác dụng dưỡng ẩm nhiều nhưng thành phần lành tính và ngấm nhanh, hợp cho da dầu, giá tiền cũng rẻ 320K chai 60Ml. Và quan trọng nhất là mình dùng không thấy kích ứng gì.




***  Sản phẩm điều trị trứng cá: Clean & Clear Advantage Acne Spot Treatment; Burt’s Bees Natural Acne Solution Targeted  Spot Treatment; Neutrogena On-the-Spot acne Treatment; 






Ngoài một số sản phẩm trị mụn nêu trên, có thể tham khảo dùng bộ Acne.org vì mình thấy thành phần bộ này có Benzoyl peroxide cũng là một trong những chất điều trị mụn tốt, tuy nhiên nếu da bạn kích ứng và bị đỏ da nhiều thì không nên dùng sản phẩm có chất này.
Theo quan điểm cá nhân tớ thì các sản phẩm trị mụn mà bà Baumann khuyên dùng thì có lẽ phù hợp với các trường hợp mụn nhẹ, chỉ có vài cái hoặc mụn cám thôi chứ nếu bị mụn nặng, có viêm, mủ hoặc mụn chùm, ẩn sâu thì mình nghĩ nếu chỉ bôi những sản phẩm này sẽ khó khỏi. Khi đó bạn cần sử dụng đến thuốc và nếu bị mụn trên mức nhẹ thì nên đến bác sĩ da liễu để trị dứt mụn, sau đó sẽ dưỡng da theo quy trình để ngăn ngừa mụn, Trong trường hợp đang điều trị có thể linh hoạt để lựa chọn kết hợp giữa bôi thuốc và quy trình dưỡng cho da đang có trứng cá.
*** Về sản phẩm Toner thì Baumann cũng khuyên các bạn có làn da nhạy cảm, dễ kích ứng không nên dùng thêm Toner vì một số thành phần trong Toner có thể làm tăng những cơn đỏ mặt. Tuy nhiên nếu thích vẫn có thể sử dụng toner có các chất chống viêm như Witch Hazen, Aloe Vera, Tea Tree (một số loại toner có các chất này giá cũng rẻ như toner Thayer -toner này cực nổi tiếng nhưng tớ dùng thì lại không hợp lắm; Lush, toner Benton BHA…)


*** Sản phẩm chống nắng: hãy chọn một loại KCN mà bạn thấy dễ chịu nhất khi bôi, không gây mụn trứng cá, không gây kích ứng cho bạn khi dùng và giá tiền trong tầm tay bạn. Vì nếu như chúng ta chưa dư dả nhiều về tài chính mà mua những loại KCN đắt quá thì cũng không ổn vì KCN là thứ dùng hàng ngày, phải bôi đủ lượng mới có kết quả chứ bôi ít hoặc mỏng quá thì sẽ giảm hiệu quả chống nắng.
Tớ gợi ý một số sản phẩm tớ đã dùng và thấy khá được:
- Avene cho da nhạy cảm dạng Lotion lỏng, dễ bôi, nổi tiếng và được các BS da liễu khuyên dùng, thương hiệu uy tín, giá trung bình (700K một tuýp 100Ml); Nhược điểm là nhờn, dính và bóng mặt.

- Innisfree Nosebum SPF 35 hợp với da dầu vì KCN khô thoáng, ngấm cực nhanh, da nhìn Matte, khô thoáng dễ chịu, có màu nhẹ và che phủ chút ít nên da đẹp khỏi cần Make up. Giá rẻ tầm 300K chai 50ml, dễ mua. Tuy nhiên nếu da không quá dầu có thể thấy bạn ấy hơi khô, mùa hè dùng được chứ đông sợ lại khô quá; phải tảy trang kỹ vì cảm giác cá nhân mình nó hơi bí.

- KCN Marie Veronique SPF30, thành phần cực lành tính, không gây bí da, có màu nhẹ, che phủ nhẹ nhàng. Vừa dưỡng da, chống nắng, da đẹp khỏi cần make up luôn. Nhược điểm là khó thoa đều ngay, giá đắt (48$ về VN thành tầm 1 triệu 4 chai 60ml); da quá dầu sẽ nhanh trôi KCN dùng không ổn. Da thường và khô sẽ hợp hơn.

- Smart Cushion Sun Cover của The Face Shop, tớ đang dùng có độ che phủ nhẹ nhàng, bám lâu, kiềm dầu tốt, chống nắng tốt (tớ đã thử nghiệm và so sánh); dạng cushion dễ mang theo dặm lại, không cần thêm make up, tớ dùng hơn tháng liên tục chưa thấy lên mụn; giá trung bình 350K cho một hộp chỉ có một lõi 15g. Nhược điểm: kem để trong mút cushion nhưng nhanh bị khô lắm, chỉ dùng được tầm 1 tháng rưỡi – 2 tháng nếu ngày nào cũng dùng, tính ra giá cũng không rẻ.Thêm nữa là nếu da ai dễ lên mụn thì cũng nên cẩn thận tảy trang kỹ càng không dễ bị mụn ẩn vì em nó có độ che phủ nên hơi bí một chút.


- Key Solar RX : em này đã khá nổi tiếng từ hồi Blogger Trang Miu khen, chính tớ cũng mua em ấy theo review của Trang Miu. Em này thì thành phần cực lành tính, toàn các thể loại extract và Oil, thành phần hoạt tính là Titan Oxit và ZnO. Tớ đã có vài Review chi tiết em này rồi, tuy nhiên nói lại chút cho các bạn tiện theo dõi. Em ấy kết cấu đặc, khó Blend, ngấm cực lâu nên da dầu tuyệt đối không dùng mùa hè, mùa đông thì có thể xem xét. Em này cũng dính dính nên ai hay phải làm việc ngoài trời cũng tránh vì em ấy bám bụi bẩn vào da mặt còn quá tội. Giá cũng hơi hơi cao (700K chai 50g), nói chung là tớ chắc chắn không bao giờ mua lại. Tuy nhiên bạn nào da khô, dễ kích ứng với KCN và dư dả kinh tế thì mua dùng cũng được.

Phù … viết đến đây mình hết hơi rồi, phần 2 sẽ nói thêm về vụ trị mụn và bôi Retinoid từ kinh nghiệm của mình. Chúc các bạn sẽ tìm được quy trình chăm sóc da phù hợp, có gì cần trao đổi cứ Comment nha.

26 nhận xét

Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

Bài này chị viết tâm huyết quá <3 E hồi lâu cũng định đọc quyển sách bà đó, mà về sau làm biếng lại thôi ^^ nghe chị nói lại ham :P

:) Thanks gái về lời khen

Hihi quyển đó đơn giản dễ hiểu mà kiến thức cơ bản,dễ tiếp thu lắm. Nhiều bạn lại kêu là quyển đó kiểu như cơ bản quá, không chuyên sâu b-(

Thực ra với những người nghiệp dư như chị em mình thì chỉ cần hiểu hết được kiến thức cơ bản về da cũng mỏi rồi chứ chả dám hòng cao sang quá. Em đọc quyển này đi, chị thấy hay mà.

Dạ vâng ạ, em cũng nghĩ kiến thức cơ bản phải vững đã thì mới đòi chuyên sâu đc =) để em download về đọc xem sao ạ :D cảm ơn chị :-)

Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

C ơi.e hỏi ngoài lề xíu .c mua hàng bên c Oanh ở Tân Sỹ chưa ak.e tháy gja ok nhưng k bit chất lượng thế nào.c rep sơm cho e na.e tk c nhju ak

Không biết những sản phẩm trên có bán tại cùng một nơi để mua về cho tiện không nhỉ? Thấy quy trình chị review hay quá à. Cảm ơn lời chia sẻ của bạn :)
....
Sơn Phạm
Chuyên bán mỹ phẩm sakura cao cấp chính hãng tại tphcm

Chị lại chưa mua của shop đấy bao giờ. Trong SG chị mua của thúy An, meoheo, lavender thôi

Chị ơi em có đọc sách này thì thấy các tp nên tránh cho da Dầu (Munj)-Nhạy cảm- Không nhiễm sắ tố- Căng là có Lactic acid (tp có trong sữa/sữa chua). Chị cho em hỏi là tại sao đc k ạ? axit lactic vốn là 1 loại AHA nổi tiếng có tác dụng trên bề mặt da như giảm thâm/ nám/vết nhăn/ sẹo mụn. Em cũng nghĩ nó có hiệu quả cho việc làm da mềm mịn nhưng k hiểu vì sao lại nên tránh ạ

Bài viết hay quá, lại hữu ích nữa.. Lần đầu tiên em biết tới chị, mong chị có time ghé blog kem dưỡng da AVEN này, của Việt Nam sản xuất á chị.

Chị có thể cho em hỏi chị đọc sách skin type solution ở đâu không ạ, em muốn đọc mà tìm hoài mấy tháng rồi không đươc ;-( Em cám ơn nhiều vì bài viết của chị !

Thì chị mua thôi, em len mạng tìm có mấy nhà sách online bán, họ chuyển tận nhà mà hình như là vinabook.vn thì phải

Em cám ơn chị nhưng e cũng đã len đấy tìm mà toàn hết hàng C ạ ;(

Thế jar em, chắc họ hết hàng. Ko thì xem ai có mượn photo. Ah em vào trang 16skin của người dịch sách đó có bản điện tử đọc đc. Có cả phần mềm test loại da luôn nữa

Các bạn ơi, do đợt vừa rồi mình cũng bị mụn nên có nhờ người nhà xách từ Mỹ về cho mình 2 bộ Acne.org size lớn. Mình dùng hết 1 bộ là da ổn rồi, nên giờ còn 1 bộ, để không thì cũng phí quá nên mình nhượng lại cho bạn nào có nhu cầu nhé. Này là do người nhà mình xách về, nên mình lấy giá web chứ không có ship gì các bạn nhé. Sẽ có discounts cho bạn nào nhiệt tình có ý định muốn mua. Các sản phẩm trong 1 bộ đó gồm: 2 chai Mois. (1 chai: 16oz và 1 chai 8oz), 1 chai AHA (16oz), va 1 tuýp treatment (16oz). Bạn nào có nhu cầu, thì liên hệ mình theo SĐT: 01267 267 035, nt hay gọi đth đều OK nhé. Thanks mn and Have a nice day !

cho e hỏi em sử dụng treatment của acne.org kết hợp vs srm và dưỡng ẩm hãng khác được không ạ do túi tiền vừa phải.Với lại nếu dùng vậy thì mình nền dùng loại nào v c

Vì treatment của acne.org khá là khô đó em, và trong moisturizer có hợp chất để dưỡng ẩm lại phần bị khô, và một phần nữa là nó không làm bí da em, nên sẽ k tạo thêm nhân mụn. Vì lúc chị dùng là chị dùng cả bộ, vì tất cả các bước nó đều có liên quan đến nhau. Hic, hoặc em có thể share với các bạn nếu túi tiền khá cao. Chị vẫn prefer là nên dùng cả bộ của acne.org. Có gì cần hỏi em cứ zalo/viber qua số đth của chị, chị biết chị sẽ trả lời cho em. ^^

Chị ơi cho e hỏi cái tinh dầu trà xanh ấy của Thai Green Tea chị mua ở đâu v ạ?

em cần thông tin thêm thì inbox chị trogn fb nhé, cuối vài viết có linh trang fb của blog đó/

c ơi, silk naturals green tea and aloe serum c mua ở đâu vậy c

trc chị dùng cái serum đó nhưng lâu lắm rồi ko dùng vì thấy nó cũng ko có tấc dụng lắm, em dùng tinh chất chè xanh Thái Green tea hiệu quả hơn

Chị ơi, sao có vài chất theo em đọc được là kháng viêm như panthenol (B5), tea tree thì em xài lại bị nóng da và đỏ da ạ :(

mua tinh chất thai tra xanh o đâu ạ

mua tinh chất thai tra xanh o đâu ạ

Em inbox hoặc sms cho chị nhé 0975901557


Trang Fanpage của Blogger

Sơ qua về bản thân:

  • Tên: Phương Dung; Tuổi: 41
  • Nghề nghiệp: Kỹ sư xây dựng, ThS Quản lý Đô thị
  • Sở thích: trang điểm và đọc sách, đánh bóng bàn, nhảy Zumba
  • Loại da: hỗn hợp dầu, nhạy cảm dễ lên mụn
  • Màu da: Sáng đến trắng, các hãng nền thường dùng màu sáng nhất hoặc sáng thứ 2 trong dãy